Trang tuyển sinh
 
Đổi mới giáo dục đào tạo, đẩy mạnh cá thể hóa

Lãnh đạo ĐHQGHN trong một lần làm việc với Trường ĐH Kinh tế về đổi mới giáo dục
Đổi mới hay tụt hậu? Đây là câu hỏi đặt ra đối với hầu hết cơ sở đào tạo trong bối cảnh xu thế hội nhập, quốc tế hóa giáo dục tác động mạnh mẽ đến các trường đại học trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn quốc tế là động lực để Trường ĐHKT – ĐHQGHN đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy.


Đổi mới hoạt động giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN giai đoạn 2019-2025 sẽ tập trung vào 4 cấu phần chính bao gồm: (1) Đổi mới hoạt động thực tập thực tế, chuyên gia thực tiễn; (2) Đổi mới hệ thống học liệu; (3) Đổi mới phương pháp giảng dạy; (4) Đổi mới hoạt động quản lý đào tạo; Các cấu phần này sẽ được thiết kế đơn giản, gọn nhẹ theo hướng chuyên môn hóa và chuyên biệt hóa. Các sản phẩm đào tạo sẽ được chính người học tự điều chỉnh theo nhu cầu khác nhau của người học, tuy nhiên, các điều kiện đảm bảo chất lượng và hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ được áp dụng nhằm đảm bảo chuẩn đầu ra quốc tế của các chương trình đào tạo.

Hoạt động đổi mới đào tạo được thực hiện theo lộ trình từ năm 2019 đến năm 2025 đối với từng nội dung đổi mới. Trường ĐHKT đã và đang thực hiện đổi mới tập trung chủ yếu vào việc rà soát điều chỉnh đề cương học phần, số hóa học liệu, xây dựng website học phần... Giai đoạn tiếp theo, Trường sẽ xây dựng bài giảng trực tuyến, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, phát triển các học phần theo hướng tối đa hóa yêu cẩu của người học, hoàn thiện phần mềm quản lý đào tạo, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giảng viên… tiến tới kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn ACBSP/ AACSB và xây dựng các chương trình đào tạo mang tính cá thể hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Một điểm mới trong đề án rất mà PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng nhóm Đề án nhấn mạnh đó là tạo môi trường học tập mở tối đa cho sinh viên của trường, khi sinh viên có thể lựa chọn các môn học trong khung chương trình đào tạo tại Trường ĐHKT với các khung chương trình của các trường thuộc khối ngành kinh tế, kinh doanh ở khu vưc miền Nam, miền Trung để theo học. Trường ĐHKT sẽ công nhận các môn tương đương trên để sinh viên vừa có thể học tập vừa trải nghiệm cuộc sống văn hóa, du lịch tại các địa phương khác trên cả nước. Nhà trường sẽ ký kết MOU với các trường trong khối kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sinh viên của Trường khi tham gia theo học tại các trường này. Đây chính là sự tiên phong và khác biệt của các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hiện nay.

Bên cạnh đó, Đề án Đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy cũng tập trung vào việc xây dựng hệ thống các môn học chuyên ngành hẹp theo hướng chuyên môn sâu, xây dựng hệ thống các môn học kỹ năng mềm theo hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng các môn học ngoài chuyên ngành đào tạo để trao đổi sinh viên của Trường và các trường khác trong và ngoài ĐHQGHN nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của người học và nhu cầu xã hội trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Tâm lý xã hội học, Công nghệ thông tin, Luật, Nghệ thuật, Báo chí, An ninh v.v…

 Hiệu trưởng ĐHKT PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định đổi mới giáo dục nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng người học trong buổi làm việc với lãnh đạo ĐHQGHN 7/2019
 Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê  khẳng định: Việc triển khai thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy theo hướng tối đa hóa nhu cầu người học, đáp ứng tốt nhất yêu cầu xã hội là xu thế tất yếu của đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy tại ĐHQGHN nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Với quyết tâm chính trị cao, sự hỗ trợ của ĐHQGHN và các đơn vị liên quan, sự đồng hành của các đối tác trong và ngoài nước, tâm huyết và quyết tâm đổi mới của toàn thể giảng viên, cán bộ nhà trường, Đề án đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN giai đoạn 2019-2025 sẽ đi vào hiện thực với hiệu quả cao, khẳng định thương hiệu của Trường ĐHKT, thành viên của ĐHQGHN, đại học hàng đầu Việt Nam.
Vài hình ảnh về các hoạt động đổi mới giảng dạy đang diễn ra tại ĐHKT:
 
 
Giờ học sử dụng game mô phỏng của TS Đinh Thị Thanh Vân
 
 Khuấy động lớp học mỗi ngày với Kahoot. Trong ảnh: Giờ học ứng dụng Kahoot trong giảng dạy của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú
Đưa sinh viên đi thực tập, thực tế để đưa sinh viên tiến gần với thực tiễn hơn. Ảnh: PGS.TS Nguyễn Việt Khôi đưa sinh viên đi thực tế tại doanh nghiệp.

Ngô Hà